Đòn bẩy hạ tầng kích thị trường nhà đất khu Nam TP.HCM "
Hotline : 0902202727 Email : info@blockreal.vn

Đòn bẩy hạ tầng kích thị trường nhà đất khu Nam TP.HCM "vượt mặt" khu Đông?

Ngày đăng: 05:09 PM 28/06/2019 - Lượt xem: 1412

Đòn bẩy hạ tầng kích thị trường nhà đất khu Nam TP.HCM "vượt mặt" khu Đông?

 

 

Một số ý kiến cho rằng xét về hướng mở quy hoạch trong tương lai, lấy khu Đông và khu Nam để so sánh, thì rõ ràng khu Đông đang có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, với chiến lược hướng ra biển được quy hoạch gần đây, quan niệm này đang dần thay đổi bởi vì TPHCM đang dành cho khu Nam TPHCM một nguồn lực tài chính khá lớn để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.

Tính đến nay, hầu hết các công trình trọng điểm của TPHCM đều dồn về phía Đông, từ việc khởi công xây dựng tuyến tàu điện metro đầu tiên và sự hoàn thành các dự án cầu Sài Gòn 2, cũng như hầm Thủ Thiêm, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và các đường vành đai đã cải thiện diện mạo của vùng cửa ngõ phía Đông. Hay chủ trương xây dựng khu Đông trở thành thành phố sáng tạo, cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh của thị trường bất động sản trục đô thị phía Đông.

 

Trong khi đó, khu Nam có điểm yếu lớn nhất là sự quá tải về hạ tầng. Tình trạng gia tăng dân số của khu Nam ngày càng cao, trong khi các trục đường kết nối từ khu Nam vào khu trung tâm TPHCM hầu như không có khả năng mở rộng, dẫn đến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Nhìn thấy rõ vấn đề này, TPHCM cũng đã có một kế hoạch dài hơi trong việc đầu tư mạnh mẽ cho một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối từ khu trung tâm TPHCM với toàn khu Nam.

 

Nói khái quát về những thành công mà Phú Mỹ Hưng đạt được trong 2 thập niên, các chuyên gia cho rằng đó là việc khai phá hiệu quả một vùng đất đầm lầy bị lãng quên và khẳng định một hướng phát triển của thành phố hướng ra biển; tạo không gian đô thị hướng đến nếp sống văn minh đô thị, xây dựng hệ thống dịch vụ hạ tầng đồng bộ và kỹ năng tổ chức quản lý đô thị hiện đại...

 

Chính từ khu đô thị kiểu mẫu này, TPHCM đã chọn cả khu Nam (quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè, và Cần Giờ) trong tương lai sẽ trở thành một vùng kinh tế trọng điểm. Cũng từ đây, với hệ thống hạ tầng giao thông có độ bao phủ lớn như đại lộ Nguyễn Văn Linh, cảng Hiệp Phước, luồng Soài Rạp, cầu Phú Mỹ… TPHCM tiếp tục chiến lược đầu tư nhiều tuyến đường kết nối đồng bộ để vực dậy khu vực này.

 

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng, cho biết: "Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ các hướng phát triển của thành phố trước khi quyết định chọn Nam Sài Gòn. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển khu công nghiệp và khu đô thị lớn. Theo đó, hướng Bắc có điều kiện đất đai và hạ tầng rất tốt, tuy nhiên, nếu phát triển khu đô thi với quy mô lớn ở đây thì về lâu dài có thể ảnh hưởng không tốt đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước của TPHCM".

Mặt khác, phát triển về hướng Tây ở thời điểm đó hạ tầng chưa hoàn thiện, vị trí nằm xa quận 1 và quận 5 – hai quận trung tâm sầm uất của thành phố. Quận 2 thì gần quận trung tâm, nhưng điểm hạn chế bị ngăn cách bởi sông Sài Gòn.

 

Vì vậy, Nam Sài Gòn đã được chọn vì những lý do sau: Dải đô thị nằm dọc cùng trục và gần hai quận trung tâm là quận 1, quận 5, hệ thống giao thông sẵn có nên dễ dàng kết nối. Đồng thời, phát triển theo hướng Nam cũng phù hợp với xu thế phát triển của những đô thị lớn trên thế giới, đó là phát triển tiến dần ra biển. Ngoài ra, điều kiện tự nhiên khu Nam Sài Gòn khá tốt, có hệ thống kênh rạch dày đặc, nằm gần rừng phòng hộ Cần Giờ - lá phổi xanh của TPHCM - nên đây là điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển đô thị sinh thái.

"Có thể nói, khu Nam Sài Gòn hội đủ yếu tố thuận lợi về mọi mặt để nâng giá trị đô thị lên một mức cao hơn nếu phát triển theo hướng này", ông Hưng nói.

 

Không dừng lại ở đó, cũng với chiến lược quy hoạch vùng đô thị mở rộng về các tỉnh phía Nam (Long An, Tiền Giang, Tây Ninh...), TPHCM cũng đang dành một nguồn ngân sách khá lớn và kêu gọi nhiều tập đoàn đa quốc gia cùng tham gia phát triển hàng loạt dự án đầu tư mở rộng - nâng cấp cầu đường hiện hữu để tạo nên một đối trọng không kém cạnh với các vùng còn lại của thành phố.

 

Điển hình cho chiến lược này, theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trước mắt nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam TPHCM đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2020 như: dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng).

Dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng vừa được khởi công và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2019…

 

Đặc biệt, UBND TPHCM đã giao một số đơn vị liên quan nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 5.000 tỷ đồng. 

 

Nguồn: http://cafef.vn

Facebook